Hiện nay, nhiều khu kinh tế tại khu vực miền Trung đang được lập điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với thực tiễn phát triển mới. Đây là một tín hiệu tích cực, dự báo sẽ một làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào khu vực này trong thời gian tới.
Doanh nghiệp đổ bộ vào các khu kinh tế
Sau một thời gian thành lập và đi vào hoạt động, nhiều khu kinh tế tại các tỉnh miền Trung đã gặt hái được nhiều thành công trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Báo cáo số 95-BC/BKTTW cho biết tình hình phát triển của các khu kinh tế tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung. Theo đó, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có 11/18 khu kinh tế ven biển của cả nước, trong đó có 4/8 khu kinh tế trọng điểm trọng điểm.
Trong thời gian qua, phát triển các khu kinh tế ven biển đã đạt được một số kết quả nhất định, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất. Một số dự án lớn, quan trọng tại các khu kinh tế của vùng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng các địa phương trong vùng.
Đơn cử như, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải,…
Tại Khu kinh tế mở Chu Lai, sau gần 20 năm hoạt động, hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế mở từng bước được hoàn thiện, nhiều nhà máy, công xưởng, khu du lịch được hình thành.
Trong 5 năm gần đây, từ 2017-2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn khu kinh tế mở Chu Lai đạt khoảng 68.145 tỉ đồng, chiếm bình quân 60% tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Lũy kế đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai có 173 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 110 nghìn tỉ đồng. Trên địa bàn Khu kinh tế hiện có 125 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện khoảng 50 nghìn tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động.
Nằm bên cạnh Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất tại Quảng Ngãi cũng đã thu hút được trên 299 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 17,7 tỉ USD.
Cạnh đó không xa, Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã thu hút được 153 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 4,1 tỉ USD. Khu kinh tế Vân Phong đã giải quyết được hơn 6.200 việc làm mới cho lao động địa phương, trong đó có tới 4.000 việc làm được tạo ra từ nguồn vốn FDI.
Tại Bình Định, từ khi thành lập đến nay, hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội đã được đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Tại Khu kinh tế Nhơn Hội đã có 121 dự án đầu tư, với tổng vốn khoảng 119.533 tỉ đồng, vốn thực hiện đạt khoảng 28.485 tỉ đồng.
Tại khu vực Bắc Trung bộ, Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã thu hút được 266 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 148.523 tỉ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12.808 triệu USD.
Còn Khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) tính đến năm 2020 đã thu hút được 151 dự án đầu tư. Trong đó có 94 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 59.802 tỉ đồng và 57 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 13,5 tỉ USD.
Nhiều dự án lớn tại Khu kinh tế Vũng Áng đã hoàn thành đi vào hoạt động, có tác động lan tỏa đối với khu vực, giải quyết việc làm cho 18.230 lao động.
Tại Quảng Bình, Khu kinh tế Hòn La đến nay đã thu hút được 56 dự án với tổng mức đầu tư 91.000 tỉ đồng. Tại Thừa Thiên Huế có Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô hiện có 50 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 82.049 tỉ đồng.
Đáng chú ý nhất là tại Khu kinh tế Đông Nam (tỉnh Quảng Trị) hiện có 45 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 143.968 tỉ đồng và có 23 dự án đang nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 152.364 tỉ đồng,…
Sắp có làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa
Sắp có làn sóng đầu tư mới
Nhiều địa phương tại khu vực miền Trung đang khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch các khu kinh tế ven biển cho phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển mới.
Đây được xem là cơ hội phát triển mới tại các khu kinh tế ven biển, đồng thời hứa hẹn sẽ có một làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào những khu vực này trong thời gian tới.
Đơn cử tại Khu kinh tế Vân Phong, (huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) hiện đang có nhiều cơ hội phát triển khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 28/01/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó định hướng phát triển huyện Vạn Ninh trở thành đô thị biển hiện đại đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao..,
Đồng thời thị xã Ninh Hòa được định hướng là đô thị công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ… cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 55/NQ-QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, có cơ chế chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong và đề xuất phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư, lao động, môi trường, tạo động lực thu hút nhiều dự án lớn, đặc biệt là các dự án về cảng trung chuyển, đô thị, logistics, năng lượng, các KCN, khu công nghệ cao…
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang ưu tiên hoàn thành Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai lập quy hoạch phân khu các khu chức năng để xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư có tính chiến lược.
Tương tự Khánh Hòa, tỉnh Phú Yên cũng đang khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên để trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, du lịch sinh thái, đô thị dịch vụ thương mại – du lịch sông, biển gắn với việc khai thác sân bay Tuy Hòa và hệ thống cảng biển…
Đồ án quy hoạch được điều chỉnh lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nhiều dự án quy mô lớn vào Khu kinh tế Nam Phú Yên trên nhiều lĩnh vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ.
Mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-HĐND về việc thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế.
UBND tỉnh Thừa Huế đã dẫn chứng hàng loạt cơ hội phát triển mới, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã triển khai thực hiện hơn 13 năm, đến nay cần rà soát lại tổng thể các vấn đề liên quan đến định hướng phát triển, phân khu chức năng, khả năng tác động của các dự án đầu tư đã có với các khu vực chưa triển khai xây dựng để có cơ sở xem xét toàn diện các nội dung ở thời kỳ quy hoạch tiếp theo phù hợp với bối cảnh mới.
Còn tỉnh Quảng Trị hiện đang xúc tiến các thủ tục liên quan để sớm khởi công dự án cảng hàng không trong quý 1/2023, đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập nhiều quy hoạch quan trọng như, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lập điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Đông Nam,…
Tương tự như các địa phương nêu trên, tỉnh Quảng Ngãi hiện đang khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất; tỉnh Quảng Bình đang triển khai lập điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Hòn La…